Chia sẽ về cách làm đồ án quy hoạch
Mình tạm chia quy trình thực hiện đồ án của mình thành ba giai đoạn chính:
1. Khảo sát
Nhìn chung đây là một bước nhảy lớn trong quy mô đồ án khi những đồ án liền trước nhỏ hơn nhiều lần nên chắc chắn sẽ có những bất cập khi hình dung cách lên phương án, phân khu chức năng và vẽ được hệ thống giao thông khi không biết phải bắt đầu từ đâu. Vì vậy, cơ sở duy nhất ở những buổi đầu là những dữ liệu hiện trạng và bài tập tìm hiểu case study để định hướng thể loại công viên thiết kế.
Việc khảo sát các yếu tố tác động đến hiện trạng và nghiên cứu định hướng quy hoạch của khu vực và liên hệ các vùng và khu vực lân cận là những thao tác tối quan trọng trước để nắm được tinh thần và nhiệm vụ thiết kế một cách rõ ràng nhất, tuy nhiên đây thường là thao tác bị xem nhẹ khi sa đà vào triển khai mặt bằng mà quên đi giá trị của hiện trạng.
2. Sơ phác ý tưởng
Thông thường, khi đã chọn được thể loại công viên phù hợp ý tưởng, sẽ bắt đầu phác thảo ngay theo sự tham khảo mà không ghi chú lại những điểm hay cần giữ lại, bảo tồn. Đây là một lỗi mà bản thân mình đã mắc ở những buổi sửa đầu lên phương án khi việc tham khảo và nghiên cứu chưa thật sự kỹ lưỡng về đối tượng tác động.
Tham khảo nhiều chưa bao giờ là thừa, cứ lưu mọi thứ trên từng thư mục nhỏ và để trí nhớ và sức sáng tạo bản thân làm công việc của nó. Vẽ ra càng nhiều thì có càng nhiều vấn đề cần sửa nhưng có sao đâu, mình vẫn đang học mà! Nhưng cũng phải luôn có những lý luận cho phương án để hợp lý hóa những đường nét và hình khối trên mặt bằng khi trao đổi với giảng viên.
Giải pháp và cách bố trí mặt bằng luôn bám theo lý thuyết học phần Quy hoạch và thiết kế vườn – công viên, nghe có vẻ chung chung nhưng quan trọng nhất là cứ phác tay ra, rồi sẽ có ý chứ không nên chỉ nghe sửa bài khác vì mỗi giải pháp và cách lên binh sẽ khác nhau nên cứ binh thoải mái, đừng sợ sai. Sai vài buổi đầu nhưng từ từ cũng sẽ ổn thôi!
3. Bắt đầu lên bài
Tùy vào cách thức thể hiện đồ án để sắp xếp một workflow làm việc hợp lý, không lầy (đồ án này mình được phép kết hợp vẽ tay và máy nhưng mình chọn vẽ máy để tối ưu hơn về thời gian và bản thân muốn trải nghiệm những kiểu thể hiện hay ho bằng máy). Hơn hết, mình chủ động trong việc quản lý công việc hàng ngày bằng Notion, Google Sheets,… nên trộm vía mọi thứ trong tầm kiểm soát khi có thể in bài sớm và nộp bài đúng giờ.
Đồ án này sau khi đã dựng hình sơ bộ, mình đã thử nghiệm các phần mềm render để có những phối cảnh, tiểu cảnh, sơ đồ phân tích thô rồi hậu kỳ lại bằng Photoshop và dùng InDesign để định hình các thành phần trong layout tổng thể. Thật sự đây là một bước tiến trong quy trình lên bài của mình khi luôn hình dung được kích thước của thành phần cần bổ sung cũng như nắm được tiến độ trên layout chung.
Liên tục thử nghiệm nhiều cách diễn họa tay và máy để dần hình thành “gu” của bản thân, để khi có cơ hội là áp dụng ngay, rất tiện và đỡ phải suy nghĩ nên làm thế nào cho từng thành phần.
Cứ lặp đi lặp lại quá trình kiểm tra layout – bổ sung thành phần – thuyết minh cho đến khi hoàn thiện bài. Nộp bài rồi nhận kết quả thôi. Dù kết quả thế nào thì mình có luôn quyền tự hào về những gì đã qua và sự tiến bộ của bản thân mà nhỉ
…

Bình luận